Home » » Đại học Fulbright và mong muốn đại diện cho hướng đi mới -TIN TỨC 24H

Đại học Fulbright và mong muốn đại diện cho hướng đi mới -TIN TỨC 24H

Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam-FUV) tại TPHCM theo mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận - mô hình lần đầu tiên được xúc tiến ở nước ta.

 

 

Đây có phải là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học và trở thành một lựa chọn "du học tại chỗ" cho người học Việt Nam?

Chọn lựa khả thi nhất

Mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam cách đây hai thập kỷ với sự thiết lập Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, thường được biết đến là trường Fulbright hay FETP, một nơi đào tạo và nghiên cứu chính sách công tại TPHCM với sự hợp tác giữa Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và Đại học Kinh tế TPHCM do ngân sách Hoa Kỳ tài trợ. Với bề dày nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam, đào tạo hơn 1.000 cựu học viên, trong đó có chương trình thạc sĩ chính sách công trong mấy năm gần đây, trường Fulbright sẽ đóng vai trò là hạt nhân trong dự án thiết lập trường Đại học Fulbright Việt Nam của Quỹ Tín thác sáng kiến đại học Việt Nam (TUIV).

Bà Hoàng Ngọc Lan, cán bộ quản lý đào tạo trường Fulbright hiện nay, nói phương án thành lập mới một trường đại học tư thục không vì lợi nhuận trong khuôn khổ pháp luật hiện hành là chọn lựa khả thi nhất đối với FUV thay vì kêu gọi các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ mở chi nhánh đào tạo tại Việt Nam. Lý do là các đại học chất lượng cao của Hoa Kỳ và quốc tế thường không đầu tư ở nước ngoài. Thông thường, thỏa thuận quốc tế của các trường này trong những hoạt động ở nước ngoài là thông qua hình thức đối tác với đại học xứng tầm ở nước sở tại. Ngoài ra, thường các đại học Hoa Kỳ thiết lập cơ sở chi nhánh ở nước ngoài với điều kiện các dự án này được tài trợ từ nguồn bên ngoài, do chính phủ nước sở tại cấp ngân sách (ví dụ như Singapore hay các quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Đông). Các chi nhánh này không bền vững (hoặc đã thất bại) do chi phí quá cao và không duy trì được do khác biệt về văn hóa và điều kiện ở địa phương. Cách tiếp cận của FUV không đòi hỏi chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ hay các đại học quốc tế tiếp nhận trách nhiệm pháp lý trong việc điều hành trực tiếp tổ chức mới này.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về châu Á tại trường Harvard Kennedy, cho biết những nhà sáng lập FUV không tham vọng thay đổi giáo dục Việt Nam. FUV chỉ mong muốn đại diện cho hướng đi mới, với mô hình quản trị hiệu quả và tổ chức sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Việt Nam đã đạt đến giới hạn trong mô hình tăng trưởng kinh tế. Việc duy trì năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải chuyển tiếp từ phụ thuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ sang hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế thường nêu rõ sự thiếu hụt lao động có kỹ năng là trở ngại hàng đầu cho việc mở rộng hoạt động của họ ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành thâm dụng tri thức. Đồng thời, Việt Nam hiện đối mặt với một loạt những thách thức phức tạp về xã hội và môi trường. Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải có những sáng tạo trong khu vực công và tư cũng như vai trò cao hơn của xã hội. Các tổ chức giáo dục đại học chất lượng cao sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết những thách thức này", ông Thành nói.

 

 

 

Sự khác biệt mang tên phi lợi nhuận

Cũng theo ông Thành, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy vai trò quan trọng của các nhà cung cấp giáo dục tư thục trong những thập niên sắp tới. Tuy nhiên, hiện nay các đại học tư thục ở Việt Nam hầu hết đều là tổ chức vì lợi nhuận, hoạt động và vận hành như những doanh nghiệp mà không có ngoại lệ. Trước đòi hỏi phải mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhiều đại học tư thục không chú trọng vào chất lượng, dựa nhiều vào lực lượng giảng viên thỉnh giảng và chỉ tập trung đào tạo vào một vài ngành ứng dụng. Một trong những điểm quan trọng của mô hình FUV là cam kết không vì lợi nhuận. Cụ thể, nguồn lực tài chính lớn nhất của trường sẽ đến từ quỹ trường. Quỹ trường được thành lập và nhận sự đóng góp từ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước trên tinh thần tự nguyện để trường phát triển lâu dài. Họ không phải là nhà đầu tư hay cổ đông.

"Mô hình không vì lợi nhuận và nguồn tài chính bền vững giúp chúng tôi không phải chạy theo sức ép thu học phí, chạy đua theo đào tạo những lĩnh vực thời thượng, đẩy số lượng sinh viên trong một lớp lên quá tải và hy sinh chất lượng giảng viên để có lời. Chúng tôi muốn mô hình này vì nó có sự tự chủ và không tạo ra gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước hay với những người quản trị. Họ sẽ chỉ tập trung vào trách nhiệm chính là với xã hội và không chịu trách nhiệm kinh doanh như doanh nghiệp và các trường tư", ông Thành chia sẻ. "Mô hình không vì lợi nhuận sẽ là đặc điểm xác định của FUV. Ngoài ra, FUV sẽ đặt chất lượng lên hàng đầu trên nguyên tắc học phí của sinh viên sẽ chỉ trang trải từ 30-50% chi phí hoạt động của trường. Mức học phí đó có thể cao hơn học phí các trường đại học tư thục hiện nay", ông nói.

Điểm đặc biệt thứ hai, ông Thành cho hay, thay vì có một hội đồng quản trị đại diện cho người góp vốn điều hành, FUV sẽ có một Hội đồng Tín thác (Board of Trustees). Thành viên của hội đồng này được bầu từ những người có uy tín trong xã hội, hoạt động tự nguyện, và sẽ phải quản trị sao cho trường hoạt động vì lợi ích của xã hội. Hiệu trưởng cũng sẽ là thành viên của hội đồng và có trách nhiệm giải trình với hội đồng. Điều lệ của trường sau này sẽ quy định số lượng, tiêu chuẩn và nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Tín thác.
Không đứng một mình

Vậy cái neo nào sẽ giám sát để trường đảm bảo chất lượng, uy tín và trách nhiệm với mỗi gia đình gửi con em vào học? "Ý tưởng hình hành FUV kế thừa mô hình đào tạo và tổ chức của trường Fulbright. Trường FUV không đứng một mình. Mỗi ngành đào tạo của chúng tôi được sự hỗ trợ về học thuật và quản trị của một trường uy tín ở nước ngoài, tương tự như sự hỗ trợ của trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy đối với trường Fulbright hiện nay. Mọi chương trình đều có sự hợp tác và giám sát của một trường đối tác. Bản thân giảng viên có uy tín đã được tuyển dụng cũng làm việc vì các sức ép tự thân và vì đồng nghiệp của họ cũng là những đồng nghiệp uy tín, có trách nhiệm và tự giác. Nếu chưa có sự hỗ trợ của một đối tác về chương trình, cán bộ đào tạo và quản lý thì chúng tôi chưa thành lập ngành đào tạo đó", bà Hoàng Ngọc Lan nói.

Theo ông Thành, mô hình quản trị là yếu tố quyết định sự thành công FUV. Ông phân tích: "Các trường đại học uy tín nhất ở Mỹ đã theo mô hình "chẳng ai quản". Cơ chế quản trị chia sẻ (shared governance) cho phép phân công trách nhiệm quản trị cho các thành viên khác nhau và sự phân công này có tính phối hợp nhiều chiều. Mặc dù Hội đồng Tín thác và các lãnh đạo trường vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng nhưng trách nhiệm này được chia sẻ với giảng viên. Hiệu trưởng và Hội đồng Tín thác tin tưởng vào năng lực của giảng viên và phân quyền cho họ quyết định nội dung chương trình đào tạo, nghiên cứu, tuyển sinh, tuyển dụng giảng viên và phong học hàm".

Nguồn: http//24h.com.vn

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét